“Đại dịch Covid-19” – Thời điểm để nhìn lại nền nông nghiệp của Việt Nam

Đăng ngày: 10-06-2020

Những khó khăn trong đợt đại dịch Covid-19 thực sự đã gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để nhìn lại và thay đổi cơ cấu nền nông nghiệp chất lượng, chuyên nghiệp hơn. Mới đây, chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế của trường Đại học RMIT Việt Nam – Tiến sĩ John Wash nhận xét:

“Covid-19 là ‘cú hích’ để nền nông nghiệp Việt Nam tập trung hơn vào những sản phẩm có giá trị gia tăng”.

Nhìn lại những ảnh hưởng của Covid-19 đến nền nông nghiệp Việt Nam

Có thể thấy rõ thực trạng của nền nông nghiệp Việt Nam đã bị tác động tiêu cực từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. Hình ảnh những xe tải chất đầy hàng nông sản nối đuôi nhau tại cửa khẩu những ngày đầu năm nay. Hàng hóa Việt Nam không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, hàng phải quay trở lại bán trong nước, từ đó xuất hiện hàng loạt những gian "giải cứu nông sản" với những mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng,... với giá thành rất rẻ nhưng lại không mấy được đón nhận từ người tiêu dùng trong nước. Tình trạng này đã báo động rằng nền nông nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi và tập trung phát triển những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chú trọng vào chất lượng sản phẩm cũng như hình thức để chiếm trọn niềm tin của khách hàng quốc tế.

(Hàng dài xe nông sản chờ ở cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc)

Vậy làm sao để nâng được giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam?

Xác định ngành hàng chủ lực

Xác định tập trung phát triển một số ngành hàng chủ lực như: gạo, cafe, cao su, cá tra,... Để tạo sự chuyển biến nhanh trong nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) cho các ngành hàng, cần xác định các nhóm giải pháp trên 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

  • Cấp độ sản phẩm: cần rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh để tìm ra tiềm năng của từng khâu và chọn khâu trọng yếu nhất, có khả năng tác động đến việc tăng GTGT cao nhất để làm. Ví dụ, chọn tăng cường sản xuất cà phê hòa tan để tăng GTGT của ngành hàng cà phê.
  • Cấp độ doanh nghiệp: cần làm rõ dư địa để làm tăng GTGT như đưa công nghệ mới, xây dựng thương hiệu… để thế giới biết đến doanh nghiệp Việt Nam.
  • Cấp độ quốc gia: sẽ tập trung vào lựa chọn sản phẩm, quy hoạch mùa vụ, cơ cấu vùng miền có lợi thế để phát huy điểm mạnh của từng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường giống tốt, cơ chế chính sách phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ bán lẻ, đào tạo nguồn nhân lực… để đem lại giá trị cao hơn cho từng sản phẩm.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất

Sử dụng các máy móc, thiết bị công nghệ vào quá trình trồng, thu hoạch cũng như sản xuất nông nghiệp; từ đó mang lại năng suất, hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Hiện nay có rất nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng vào ngành nông nghiệp như: Công nghệ tưới nước được quản lý thông qua thiết biết bị di động;.... thậm chí là những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như blockchain để truy xuất nguồn gốc nông sản.

(Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa)

 

(Ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc tưới nước và theo dõi tình trạng của rau)

 

(Áp dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc nông sản)

Cả thị trường trong nước và quốc tế đều ngày một khắt khe hơn đối với việc lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là nông sản. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, giao thương giữa các nước bị hạn chế, chỉ những mặt hàng thực sự chất lượng mới nhận được sự đón nhận từ người tiêu dùng. Đây chính là thách thức, cũng chính là cơ hội tốt để cải tiến nền nông nghiệp của Việt Nam, đẩy mạnh phát triển thế mạnh vốn có của mình.

Hơn nữa, ngành nông nghiệp chính là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Sau Covid-19 vai trò của ngành nông nghiệp lại càng được nhấn mạnh và quan tâm hơn. Thời điểm này Việt Nam cần tập trung phát triển để trở thành thị trường cung cấp thực phẩm, nông sản cho toàn khu vực, cũng như thế giới.