Tác động của Virus Corona đến ngành nông nghiệp và sản xuất của Việt Nam

Đăng ngày: 29-02-2020

Hiện nay, các cụm từ Virus Corona, nCoV hay Covid-19 là cụm từ hot nhất và vẫn luôn đứng trên top tìm kiếm. Nguồn dịch xuất phát và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam – người hàng xóm thân thiết, có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng không nhỏ. Bởi sự phát triển và lây lan mạnh mẽ của đại dịch này mà nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp, sản xuất nói riêng cũng bị tác động.

Giá cả thị trường tăng cao đột biến

“Nhìn về phía trước, lạm phát CPI có thể sẽ biến động. Tác động của virus có thể khiến giá thực phẩm, chẳng hạn như rau, tăng cao hơn nữa. Mặt khác, nó có thể làm giảm nhu cầu hộ gia đình, giảm bớt áp lực lạm phát”. - David Qu, Bloomberg Kinh tế.

Nói riêng về Trung Quốc, nơi nguồn bệnh bùng phát thì giá tiêu dùng tăng nhanh nhất trong hơn tám năm, với sự bùng phát của virus corona và việc đóng cửa giao thương và giao thông trên toàn quốc. Giá tiêu dùng tăng 5,4%, với giá thực phẩm tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 trong tháng 1. Ngay cả trước khi có virus corona, thì giá thành đã đang trên đà tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu dùng gần Tết Nguyên Đán và hậu quả của dịch cúm lợn Châu Phi. Tình hình virus corona ngày càng tồi tệ cho đến hiện nay.

Điều đó sẽ không chỉ làm tổn hại tiêu dùng trong nước, mà còn đẩy giá lên toàn cầu. Điển hình tại Việt Nam. Thể hiện rõ nhất là giá thực phẩm, bởi đây là hàng hóa thiết yếu, người dân đổ xô đi mua về tích trữ. Tại các chợ truyền thống, cơ sở đầu mối giá của các mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng từ 20-30%. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ở mức 6,43%.

(Hình ảnh tại quầy rau củ của một siêu thị ở Hà Nội vào khung giờ 5h chiều)

Hạn chế trao đổi mậu dịch qua biên giới với Trung Quốc

Với việc đóng cửa kéo dài ở Trung Quốc làm tổn hại nguồn cung của hàng hóa công nghiệp và thực phẩm xuất khẩu khác nhau. Khi gần như các doanh nghiệp ở Trung Quốc tạm ngừng hoạt động, thì những quốc gia có mối quan hệ xuất nhập khẩu với Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng không kém, dù nước đó có dịch hay không. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa và hạn chế dịch bệnh, nhiều nước đã quyết định cấm các đường bay hay thủ tục xuất nhập khẩu cũng bị hạn chế bởi nhiều thủ tục khắt khe.

Điển hình ở Việt Nam, mối quan hệ giao thương giữa hai nước đã quá phụ thuộc. Nông sản Việt Nam thu hoạch xong không thể xuất sang Trung Quốc như thường lệ. Từ đó mới xuất hiện những chiến dịch “giải cứu nông sản”, “giải cứu” thanh long, sầu riêng, hay kể cả tôm hùm.

(Siêu thị bán giải cứu dưa hấu bị ùn ứ do Virus Corona)

Bên cạnh đó, các công ty sản xuất tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Các nguyên liệu, linh kiện buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc mới có thể tiếp tục lắp ghép và sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động cho đến lúc tình hình dịch bệnh được cải thiện và các hoạt động giao thương được lưu thông trở lại.

Hàng loạt “ông lớn” FDI bắt đầu lên tiếng về những tác động của dịch cúm do virus Corona tới sản xuất - kinh doanh. LG thông tin rằng, nếu dịch Corona không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh. Còn Samsung cho biết, hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan, có thể làm giảm tới 50% doanh số của họ trong năm 2020.

Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, nhưng sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Và do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Những thông tin trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Chính phủ, với khẳng định rằng, dịch bệnh do virus Corona ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Do đó, khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.

Trên đây là một số những tác động tiêu biểu mà virus corona mang lại cho nông nghiệp và sản xuất của Việt Nam. Còn nhiều những ảnh hưởng khác nữa, đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách ngắn hạn và dài hạn để đối phó với đại dịch toàn cầu này.