Quy trình thanh toán L/C giáp lưng (Back to Back Letter of Credit)

Đăng ngày: 13-11-2019

Trong các hoạt động thương mại quốc tế, các hình thức thanh toán là một phần rất quan trọng mang lại sự thuận lợi trong quá trình giao dịch và mua bán. Phương thức thanh toán bằng L/C là phương thức được sử dụng phổ biến, trong đó L/C giáp lưng là loại L/C đặc biệt rất hay được sử dụng trong hoạt động thương mại quốc tế. Bài viết này sẽ nêu ra L/C giáp lưng là gì, mục đích và quy trình mở và thanh toán của nó.

 

L/C giáp lưng (Back to Back Letter of Credit)

L/C giáp lưng là loại L/C được phát hành trên cơ sở 1 L/C khác, hai L/C này độc lập với nhau. L/C ban đầu là L/C gốc (Master L/C), L/C giáp lưng là L/C thứ 2 (Baby LC/ Secondary L/C). Người thụ hưởng L/C gốc là người yêu cầu mở L/C thứ 2.

L/C giáp lưng thường được sử dụng trong mua bán qua trung gian. L/C gốc và L/C giáp lưng có các điều khoản và điều kiện giống nhau, ngoại trừ số tiền, đơn giá, thời gian hiệu lực, thời hạn xuất trình chứng từ, số lượng chứng từ, tỷ lệ bảo hiểm.

Đặc điểm của L/C giáp lưng

► Thuộc loại L/C không hủy ngang, tức chỉ được sửa đổi hoặc hủy nếu có sự đồng ý của tất cả các bên.

► Được sử dụng trong mua bán qua trung gian ba bên (Nhà sản xuất – người trung gian – Người nhập khẩu).

► Là một L/C biệt lập được mở trên cơ sở của L/C gốc (có cùng điều kiện với L/C gốc).

► Ngân hàng mở L/C giáp lưng có nghĩa vụ thanh toán cho nhà sản xuất.

► Người trung gian giấu thông tin của nhà sản xuất và người nhập khẩu cuối cùng.

Mục đích của L/C giáp lưng

L/C giáp lưng chủ yếu được sử dụng trong trường hợp có bên trung gian khi:

► Người nhập khẩu không đồng ý làm L/C chuyển nhượng, trong khi người trung gian không đủ hàng hóa để cung cấp cho người nhập khẩu, người trung gian lúc này phải đem L/C này làm đảm bảo để mở L/C đối cho người cung cấp hàng cho mình hưởng.

► Nhà cung cấp không đồng ý L/C chuyển nhượng vì nó không đảm bảo khả năng được thanh toán.

► Khi các chứng từ được yêu cầu xuất trình theo L/C gốc không thể khớp với các chứng từ phải xuất trình L/C đối.

► Người trung gian muốn giấu tất cả các thông tin liên quan đến điều kiện giao hàng, người mua cuối cùng, nơi hàng đến và các thông tin về giá cả.

Quy trình mở và thanh toán L/C giáp lưng

1. Nhà nhập khẩu yêu yêu cầu ngân hàng mở L/C.

2. Ngân hàng phát hành L/C mở L/C cho người thụ hưởng là nhà trung gian và gửi cho ngân hàng thông báo.

3. Ngân hàng thông báo thông báo L/C cho người thụ hưởng thứ 1 là nhà trung gian.

4. Người thụ hưởng thứ nhất căn cứ vào LC gốc, yêu cầu ngân hàng mở L/C giáp lưng (thường là ngân hàng thông báo thứ nhất) cho người thụ hưởng thứ 2 hưởng lợi.

5. Ngân hàng phát hành L/C giáp lưng và gửi L/C giáp lưng cho ngân hàng của người thụ hưởng thứ 2

6. Ngân hàng thông báo 2 thông báo L/C cho người thụ hưởng 2.

7. Nhà cung cấp (người thụ hưởng thứ 2) giao hàng theo quy định.

8. Người thụ hưởng 2 xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo của mình.

9. Ngân hàng thông báo 2 kiểm tra và chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng thông  báo của người thụ hưởng 1.

10. Ngân hàng thông báo 1 xuất trình bộ chứng từ cho người thụ hưởng thứ nhất kiểm tra, yêu cầu trả tiền và gửi bộ chứng từ cho người thụ hưởng thứ nhất.

11. Người thụ hưởng thứ nhất chỉnh sửa bộ chứng từ (nếu có) và gửi bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo 1.

12. Ngân hàng thông báo 1 gửi bộ chứng từ cho ngân hàng mở L/C.

13. Ngân hàng phát hành L/C kiểm tra bộ chứng từ, nếu bộ chứng từ phù hợp với L/C sẽ trả tiền cho người thụ hưởng thứ nhất thông qua ngân hàng thống báo 1.

14. Ngân hàng phát hành L/C xuất trình bộ chứng từ cho người đề nghị mở L/C kiểm tra, yêu cầu trả tiền và gửi bộ chứng từ cho người đề nghị mở L/C.

Như vậy, L/C giáp lưng cũng là một loại L/C sử dụng khá phổ biến. Khi sử dụng loại L/C này thông thường nhà trung gian muốn giấu thông tin của nhà sản xuất và người nhập khẩu cuối cùng để bảo đảm lợi ích của mình. Quy trình và bộ chứng từ của phương thức này cũng rất phức tạp. Rất mong bài viết này sẽ hữu ích và giúp đỡ các bạn vẫn đang thắc mắc về phương thức thanh toán này.