Phương thức thanh toán nhờ thu trơn

Đăng ngày: 25-11-2019

Thanh toán nhờ thu là một trong những phương thức thanh toán được vận dụng khá nhiều trong thanh toán hàng hóa giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thanh toán nhờ thu trơn là một loại nằm trong thanh toán nhờ thu. Vậy thanh toán nhờ thu và nhờ thu trơn là gì và có ý nghĩa như thế nào? Có tiện ích như thế nào với nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu? Quy trình làm thanh toán nhờ thu trơn ra sao? Bạn có thể tham khảo nội dung này qua bài viết chi tiết dưới đây.

I. Thanh toán nhờ thu là gì?

Thanh toán nhờ thu là phương thức, trong đó người xuất khẩu sau khi giao hàng hay cung ứng dịch vụ, uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ hàng hoá thông qua ngân hàng thu hộ cho bên mua, gửi kèm theo với điều kiện là người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn, thì ngân hàng mới trao bộ chứng từ hàng hoá để nhà nhập khẩu đi nhận hàng.

Phụ thuộc vào tính chất chứng từ mà người mua yêu cầu làm căn cứ trả tiền phân nhờ thu thành 2 loại: là nhờ thu trơn và nhờ thu kèm chứng từ

Sau đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu phương thức thanh toán nhờ thu trơn

II. Nhờ thu trơn là gì? Qui trình nhờ thu trơn?

1. Khái niệm

Nhờ thu trơn là phương thức thanh toán trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính, còn các chứng từ thương mại khác được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu không thông qua ngân hàng.

Các chứng từ liên quan:

  • Chứng từ thương mại: Hóa đơn thương mại, vận đơn và các loại giấy chứng nhận liên quan đến hàng hóa.

  • Chứng từ tài chính: Hối phiếu, kỳ phiếu , séc hoặc các phương tiện tương tự khác sử dụng trong việc thanh toán.

2. Các bên tham gia vao thanh toán nhờ thu

  • Người uỷ nhiệm thu (Principal): là người xuất khẩu, người hưởng lợi. Là người yêu cầu ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền.

  • Người trả tiền (Drawee): là người mà Nhờ thu được xuất trình để thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Người trả tiền trong ngoại thương là người nhập khẩu.

  • Ngân hàng nhờ thu: (Remitting Bank hay còn gọi là ngân hàng nhận uỷ nhiệm thu): là ngân hàng phục vụ người xuất khẩu.

  •  Ngân hàng thu hộ (Collecting Bank): là ngân hàng phục vụ người nhập khẩu. Thông thường, đây là ngân hàng đại lý hay chi nhánh của ngân hàng nhờ thu có trụ sở ở nước Người trả tiền.

  • Ngân hàng xuất trình (Presenting Bank)

+ Nếu người trả tiền có quan hệ tài khoản với ngân hàng thu hộ (NHTH), thì NHTH sẽ xuất trình Nhờ thu trực tiếp cho người trả tiền, trong trường hợp này thì NHTH đồng thời là ngân hàng xuất trình (NHXT).

+ Nếu người trả tiền không có quan hệ tài khoản với NHTH, thì có thể chuyển nhờ thu cho một ngân hàng khác có quan hệ tài khoản với Người trả tiền để xuất trình. Trong trường hợp này, ngân hàng phục vụ Người trả tiền trở thành NHXT, và chịu trách nhiệm trực tiếp với NHTH.

3. Qui trình:

  • Bước 1: Hai bên thực hiện kí kết hợp đồng ngoại thương

  • Bước 2: Nhà XK thực hiện giao hàng hóa cùng với chứng từ thương mại cho nhà NK

  • Bước 3: Nhà xuất khẩu gửi đơn nhờ thu cùng với chứng từ tài chính cho ngân hàng nhờ thu

  • Bước 4: NHNT gửi lệnh nhờ thu và chứng từ tài chính cho NHTH.

  • Bước 5: NHTH xem xét bộ chứng từ và gửi thông báo nhờ thu cho nhà NK

  • Bước 6: Nhà NK gửi tiền và bộ chứng từ cho NHTH

  • Bước 7: NHTH chuyển tiền cho NHNT

  • Bước 8: NHNT chuyển tiền vào tài khoản của nhà XK.

III. Ưu, nhược điểm của nhờ thu trơn

  • Ưu điểm: Thủ tục đơn giản, ít tốn kém, tiết kiệm chi phí.

  • Nhược điểm: Không đảm bảo quyền lợi cho người bán, vì việc thanh toán phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn người mua, tốc độ thanh toán chậm và ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần.

  • Điều kiện áp dụng: chỉ áp dụng trong trường hợp người bán và người mua tin tưởng lẫn nhau hoặc có quan hệ liên doanh với nhau giữa công ty mẹ, công ty con hoặc chi nhánh của nhau. Hoặc sử dụng trong trường hợp thanh toán về dịch vụ có liên quan đến xuất khẩu hàng hóa hoặc thanh toán cước phí vận tải, bưu điện, bảo hiểm, hoa hồng, lợi tức ….

IV. Rủi ro trong phương thức thanh toán nhờ thu

Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian trong thanh toán không thể khống chế nhà nhập khẩu: 

+Nếu nhà nhập khẩu bị vỡ nợ thì nhà xuất khẩu không thể nhận được tiền thanh toán. Nếu năng lực của nhà nhập khẩu yếu kém thì việc thanh toán sẽ châm trễ và tốn kém.

+Nếu nhà nhập khẩu chủ tâm lừa đảo, vẫn nhận hàng nhưng từ chối thanh toán hoặc từ chối chấp nhận thanh toán.

+Nếu nhà nhập khẩu không nhận hàng, không trả tiền thì nhà xuất khẩu phải nhận hàng về gây tốn chi phí vận chuyển bảo quản hàng hóa cho phía nhà xuất khẩu.

+Đến thời hạn hối phiếu kỳ hạn nhưng nhà nhập khẩu không thể thanh toán hoặc không muốn thanh toán (do tình hình tài chính, tình hình kinh doanh trở nên xấu đi hay nhà nhập khẩu chủ tâm muốn lừa đảo) thì nhà xuất khẩu có thể kiện ra tòa nhưng rất tốn kém và không phải lúc nào cũng thu được tiền.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết!