Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập các nền kinh tế hiện nay, ngày xuất hiện càng nhiều các cuộc giao thương mua bán hàng hóa xuyên quốc gia. Vì vậy hợp đồng có vai trò vô cùng quan trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về Hợp đồng TMQT là gì? Điều khoản giao hàng, thanh toán và chứng từ thanh toán trong Hợp đồng TMQT nhé!
I. Hợp đồng thương mại quốc tế là gì?
Hợp đồng thương mại quốc tế là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ thương mại quốc tế. Hợp đồng thương mại quốc tế có rất nhiều loại, chẳng hạn như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ…
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì nó sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật thương mại quốc tế: có thể là pháp luật của các quốc gia khác nhau, các điều ước quốc tế liên quan và trong nhiều trường hợp liên quan đến cả tập quán thương mại quốc tế, nên cần thiết phải lựa chọn luật nào trong số đó để áp dụng cho hợp đồng.
II. Cấu trúc của hợp đồng thương mại quốc tế
Một hợp đồng thương mại quốc tế thường được cấu trúc thành năm nhóm nội dung chính:
Tên và số hiệu hợp đồng
Địa điểm và ngày tháng ký kết hợp đồng
Phần mở đầu (Tên, địa chỉ các chủ thể tham gia hợp đồng)
Phần nội dung chính bao gồm các điều khoản chính của hợp đồng
Đại diện của các bên ký kết ký tên và đóng dấu
Lưu ý chữ ký phải đảm bảo là đúng người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Trong trường hợp do người khác ký mà không phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp thì phải có giấy ủy quyền được đính kèm với hợp đồng.
Các điều khoản của hợp đồng thương mại quốc tế, thường có hai nhóm, các điều khoản bắt buộc (là các điều khoản thường phải có trong hợp đồng, như điều khoản về tên hàng, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán v.v) và các điều khoản tùy ý (các điều khoản tùy vào sự thỏa thuận và thống nhất giữa các bên tham gia)
Các điều khoản bắt buộc:
Điều 1: Tên hàng (Article 1: Commodity)
Điều 2: Số lượng/ Khối lượng (Article 2: Quantity/ Weight)
Điều 3: Chất lượng/ Phẩm chất hàng hóa (Article 3: Quality/ Specification)
Điều 4: Giá cả (Article 4: Price)
Điều 5: Giao hàng (Article 5: Shipment/ Delivery
Điều 6: Thanh toán (Article 6: Settlement/ Payment )
Điều 7: Chứng từ giao hàng ( Article 7: Necessary documents/ document requirement/ negotiation documents)
Bên cạnh đó, để hợp đồng đầy đủ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các bên, còn có những điều khoản tùy ý quan trọng khác như:
Điều 8: Bao bì và kí mã hiệu ( Article 8: Packing and marking)
Điều 9: Bảo hành ( Article 9: Warranty)
Điều 10: Phạt và bồi thường thiệt hại (Article 10: Penalty)
Điều 11: Bảo hiểm (Article 11: Insurance)
Điều 12: Bất khả kháng (Article 12: Force majeure )
Điều 13: Khiếu nại ( Article 13: Claim)
Điều 14: Trọng tài (Article 14: Arbitration)
Sau đây chúng ta cùng đi tìm hiểu về Điều khoản Giao hàng và Thanh toán trong hợp đồng TMQT
III. Điều 5: Điều khoản giao hàng (Delivery)
Điều khoản giao hàng là điều khoản xác định thời hạn, địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng và thông báo giao hàng
1. Thời hạn giao hàng
Thời hạn giao hàng là thời hạn mà người bán phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng. Trong buôn bán quốc tế có 3 kiểu quy định thời hạn giao hàng:
Giao hàng theo định kỳ: Là việc xác định thời hạn giao hàng vào một khoảng (mốc) thời gian nhất định. Ví dụ giao hàng vào ngày 31/12/2019, giao trong quý III năm 2020, không chậm quá ngày 31/09/2019 v.v
Giao hàng theo điều kiện: là việc xác định thời hạn giao hàng theo điều kiện nhất định. Ví dụ giao hàng cho chuyến tàu đầu tiên, giao hàng trong vòng 20 ngày kể từ ngày mở L/C, giao hàng trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận được giấy phép xuất khẩu v.v
Giao hàng theo các thuật ngữ: là việc xác định thời hạn giao hàng theo các nhật ngữ như “giao nhanh” (promt), “giao ngay lập tức” (Immediatly), “giao càng sớm càng tốt” (as soon as possible),,,
2. Địa điểm giao hàng
Việc lựa chọn địa điểm giao hàng có liên quan chặt chẽ đến phương thức chuyên chở hàng hóa và đến điều kiện cơ sở giao hàng.
Thường địa điểm giao hàng đi và địa điểm hàng chuyển tới phụ thuộc vào điều kiện thương mại quốc tế do hai bên mua và bán lựa chọn, có thể trong hợp đồng ghi rõ điểm đi/đến (port of discharging/destination: Hai Phong Port) hoặc ghi địa điểm giao hàng lựa chọn (one of Taiwan port, CIF European main ports, FOB Da Nang…)
3. Phương thức giao hàng
Trong điều khoản giao hàng luôn đề cập đến nội dung phương thức giao hàng.
4. Thông báo giao hàng
Trong các điều kiện cơ sở giao hàng Incoterms đã quy định trách nhiệm về thông báo giao hàng, tuy nhiên, trong hợp đồng thương mại quốc tế vẫn nên quy định rõ thêm về
i. số lần thông báo
ii. nội dung, thời điểm mỗi lần thông báo
Ví dụ: Điều kiện FOB: Thông báo 3 lần:
Lần 1: Người bán thông báo sẵn sàng giao hàng
Lần 2: Người mua thông báo về việc cử tàu đến nhận hàng: Tên tàu, số hiệu của tàu, tên người vận tải, địa điểm giao hàng, thời gian giao hàng
Lần 3: Người bán thông báo về việc giao hàng: Kết quả giao hàng, số lượng và chất lượng hàng thực giao, ngày xếp hàng lên tàu, ngày được cấp vận đơn và số của vận đơn, ngày tàu khởi hành từ cảng đi và dự kiến ngày tàu đến cảng dỡ hàng …
Trong điều khoản giao hàng, các bên còn thỏa thuận về hướng dẫn giao hàng:
– Có cho phép chuyển tải hay không (Transhipment): Allow/not Allowed (Prohibited)
– Giao hàng toàn bộ hay giao hàng từng phần (Partial shipment)
– Giao hàng một lần hay giáo hàng nhiều lần (Shipment by istalment)
IV. Điều 6. Thanh toán (Payment)
Đây là điều khoản quy định về đồng tiền thanh toán, thời hạn trả tiền, hình thức trả tiền và các chứng từ làm căn cứ để trả tiền
1. Đồng tiền thanh toán (Payment currency)
Đồng tiền thanh toán (currency of payment) là đồng tiền được hai bên thỏa thuận sử dụng trong thanh toán hàng hóa.
Việc thay toán tiền hàng được tiền hành bằng đồng tiền của nước xuất khẩu, của nước nhập khẩu hoặc một nước thứ ba. Đôi khi trong hợp đồng còn cho quyền người nhập khẩu được thanh toán bằng các ngoại tệ khác nhau tùy theo sự lựa chọn của mình.
Đồng tiền thanh toán có thể trùng hợp hoặc không trùng hợp với đồng tiền tính toán. Nếu không trùng hợp thì phải quy định tỷ giá quy đổi.
2. Thời hạn thanh toán (Time of payment)
Khi thỏa thuận về thời hạn thanh toán, các bên có thể thống nhất thời hạn thanh toán: Trả tiền trước, trả tiền sau, trả tiền ngay khi giao hàng hoặc thanh toán theo phương thức hỗn hợp.
+ Người mua thanh toán trước với mục đích cấp tín dụng
+ Người mua thanh toán trước cho người bán với mục đích là tiền đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng
Thanh toán ngay là việc thanh toán vào trước lúc hoặc trong lúc người xuất khẩu đặt chứng từ hàng hóa hoặc đặt bản thân hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua.
Người nhập khẩu có thể trả tiền cho người xuất khẩu :
Ngay sau khi người xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng không trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng quy định
Ngay sau khi người xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng quy định
Ngay sau khi người nhập khẩu nhận bộ chứng từ hoặc
Người nhập khẩu trả tiền ngay cho người xuất khẩu sau khi nhận xong hàng hóa tại nơi quy định hoặc cảng đến.
Thanh toán ngay có thể thực hiện trong phương thức thanh toán D/P trong nhờ thu và L/C trả ngày trong phương thức tín dụng chứng từ
Thanh toán sau là việc người mua trả tiền cho người bán một thời gian sau khi người bán đã giao hàng xong
Nếu lấy 4 loại trả tiền ngay làm mốc mà việc trả tiền xảy ra ngay sau đó x ngày thì có 4 loại trả tiền sau:
Trả tiền sau x ngày kể từ ngày được thông báo của người xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng không trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng quy định
Trả tiền sau x ngày kể từ ngày người xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng quy định
Trả tiền sau x ngày kể từ ngày người nhập khẩu nhận bộ chứng từ hoặc
Trả tiền sau x ngày kể từ ngày nhận xong hàng hóa
Thanh toán sau có thể thực hiện trong phương thức thanh toán D/A trong nhờ thu hay L/C trả chậm trong phương thức tín dụng chứng từ.
Là cách thức thanh toán sử dụng kết hợp cả ba cách thức thanh toán trước, thanh toán ngay và thanh toán sau. Đây là phương thức hay được sử dụng hiện nay.
3. Phương thức thanh toán
Trên thị trường, các bên mua bán thường thỏa thuận áp dụng các phương thức thanh toán phổ biến sau:
Phương thức thanh toán tiền mặt
Phương thức thanh toán chuyển tiền
Phương thức thanh toán nhờ thu
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
V. Điều 7: Chứng từ thanh toán
Trong điều khoản thanh toán, hai bên cần thống nhất bộ chứng từ thanh toán, đây được hiểu là người bán phải cung cấp cho người mua những chứng từ chứng minh việc giao hàng như hai bên đã thỏa thuận. Nếu bộ chứng từ người bán xuất trình là đầy đủ và hợp lệ mới được thanh toán bởi người mua hoặc ngân hàng phục vụ người mua.
Thông thường bộ chứng từ thanh toán gồm:
Hối phiếu (Bill of exchange)
Vận tải đơn (Bill of lading, Airway bill, Raiway bill…)
Hóa đơn bán hàng (Commercial invoice)
Bảng kê chi tiết hàng hóa (Packing list)
Giấy chứng nhận số lượng, chất lượng hàng hóa thực giao do người sản xuất xác nhận đảm bảo về hàng hóa mua bán (Certificate of Quantity/Certificate of Quality)
Số lượng mỗi loại chứng từ (bao nhiêu bản chính, bao nhiêu bản phụ) và gửi tới đâu sẽ do hai bên thỏa thuận khi đàm phán để ký hợp đồng. Tùy theo tình trạng hàng hóa mua bán và tính chất của cuộc trao đổi, mà người bán phải cung cấp cho người mua thêm những chứng từ khác (nếu có yêu cầu) như:
– Giấy chứng nhận bảo hiểm (nếu điều kiện giao hàng là CIF hoặc CIP)
– Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
– Giấy chứng nhận kiểm tra, giám định hàng hóa
– Kiểm dịch, hun trùng …
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết !