THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM TỪ NĂM 2017 ĐẾN NAY

Đăng ngày: 02-12-2019

Xuất khẩu gạo được coi là ngành thế mạnh của xuất nhập khẩu Việt Nam với nhiều năm liền chúng ta luôn đứng trong Top những quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất trên thế giới. Với một quốc gia với “nền nông nghiệp lúa nước lâu đời như Việt Nam” thì thị trường lúa gạo luôn là một mặt hàng tiềm năng với những công ty trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu. Sau đây tôi sẽ đi phân tích thị trường xuất nhập khẩu gạo Việt Nam trong một vài năm gần đây.

Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đáng chú ý hơn, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Năm 2018, tổng sản lượng xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đạt sản lượng trên 6 triệu tấn tăng 16,1% so với năm 2017, mang về 3,03 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn gạo tương đương với 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về số lượng và 20,4% về trị giá so với cùng kì năm 2018. Giá gạo xuất khẩu trung bình cũng giảm còn khoảng 427,5 USD/ tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kì năm 2018. Vậy nguyên nhân của sự suy giảm sản lượng và giá trị của lúa gạo xuất khẩu của năm nay so với năm 2018 là gì? Theo dự báo của báo nông nghiệp Mĩ, sự suy giảm này là do sản lượng của các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới đều tăng dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu. Do đó tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước khác đều ảm đạm hơn so với năm ngoái. Thêm vào đó, các nước trên thế giới đều đều tích cực lấp đầy kho dự trữ của mình để đảm bảo an ninh lương thực vào cuối năm 2018, dịp Giáng Sinh và Tết nên việc xuất khẩu vào đầu năm 2019 sẽ gây khó khăn hơn bởi cung nhiều hơn cầu. Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn cho biết Bức tranh chung nông sản toàn cầu thế giới qua kết quả thống kê thì thấy nhóm tất cả các mặt hàng nông sản đều giảm từ 5-15% tùy nhóm. Đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, giảm đều trên tất cả các phân khúc.

Trong các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, đứng đầu là Philippines (1,254 triệu tấn, 45%), kế đến là Malaysia (366.000 tấn, 13%), Trung Quốc (286.000 tấn, 10%). Năm 2017 Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam ( 2,383 triệu tấn gạo). Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc chỉ nhập 286.000 tấn do 5 tháng đầu năm 2019 Trung Quốc xuất khẩu được 1,173 triệu tấn gạo và đạt 448 triệu USD, tăng 94% so với 603.000 tấn năm 2007.

Năm 2019 Philipines dự kiến nhập 2,6 triệu tấn gạo đến nay đã nhập của Việt Nam được 1,154 triệu tấn. Hiện nay Philippines đang chờ kết quả của vụ lúa mùa mưa để đưa ra các quyết định thu mua kế tiếp.

Trong chủng loại gạo xuất khẩu, xuất khẩu nhiều nhất là gạo chất lượng cao (1,573 triệu tấn, 44%, xuất qua Philipines, Cuba và Iraq), gạo thơm các loại (1,201 triệu tấn, 34%, qua Ghana, Trung Quốc và Singapore), nếp (244.000 tấn, 7%, chủ yếu xuất sang Trung Quốc), gạo hạt tròn Japonica (178.000 tấn, 5%, qua các nước Trung Đông và Trung Quốc), IR 50404 (89.000 tấn, 7% qua Philippines). Xuất khẩu gạo trong thời gian tới của Việt Nam gặp khó khăn do các kho dự trữ gạo của các nước Châu Á đã đầy. Ở thị trường Châu Phi gặp cạnh tranh gạo giá rẻ của Trung Quốc bán gạo tồn kho với giá 190 USD/tấn.

Phương hướng giải cứu xuất khẩu gạo Việt Nam

Trước tình hình trên, Chính Phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng gạo Việt Nam.

Bước đầu, cần chuyển hướng thị trường, mở rộng xuất khẩu nhằm đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân, chuyển hướng tập trung sang thị trường Châu Phi, ASEAN để bù đắp sựu sụt giảm tại các thị trường lớn như Trung Quốc. Bên cạnh đó,các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải chủ động đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ vào tìm kiếm và khai thác thị trường. Tích cực áp dụng đồng bộ các tiến độ khoa học từ khâu giống cây, qui trình kĩ thuật đến đầu tư đầu vào, cố gắng để giá lúa cạnh tranh nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của người nông dân. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi để phát triển các mục tiêu dài hạn hơn thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến bài viết!