NỘI DUNG VÀ QUI TRÌNH THANH TOÁN L/C

Đăng ngày: 20-11-2019

Thanh toán bằng L/C là một trong những phương thức thanh toán quốc tế được ưa chuộng nhất hiện nay, tuy nhiên việc sử dụng phương thức thanh toán này khá phức tạp. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ nội dung L/C và quy trình thanh toán bằng L/C. Ở bài viết này, tôi sẽ phân tích cụ thể về nội dung LC và quy trình thanh toán bằng LC để bạn tìm hiểu.

I. L/C là gì?

Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận, trong đó theo yêu cầu của khách hàng ( Importer)  yêu cầu mở L/C, một ngân hàng (ngân hàng phát hành L/C) phát hành một bức thư, theo đó Ngân Hàng phát hành (NHPH) cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho người hưởng ( Exporter) khi người này xuất trình được bộ chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định của L/C.

Như vậy người mua, người bán và ngân hàng là những cá thể tham gia vào quá trình thanh toán bằng L/C. L/C được viết tắt bởi từ Letter of Credit. Ngoài ra còn có tên gọi khác là Documentary Letter of Credit để nhấn mạnh đến chứng từ và phương thức thanh toán.

L/C là một cam kết thanh toán có điều kiện của Ngân hàng. Vậy điều kiện của một L/C là gì?

Đối với người NK thì phải có đơn yêu cầu mở L/C được phát hành bởi người NK. Nhà NK phải có uy tín với ngân hàng và với các giao dịch đã có trước đó.Nhà NK phải có tài sản để thế chấp cho ngân hàng để tạo thành một cam kết, đảm bảo sẽ trả tiền cho NHPH.

Đối với nhà XK ( hay người thụ hưởng) phải xuất trình bộ chứng từ phù hợp để nhận được thanh toán.

II. Qui trình thanh toán L/C

ACác bên tham gia

  • Người yêu cầu mở L/C (Applicant for L/C): còn được gọi là người mở hay người xin mở L/C, là bên mà L/C được phát hành theo yêu cầu của họ. Trong thương mại quốc tế, người yêu cầu thường là người nhập khẩu, yêu cầu ngân hàng phục vụ mình phát hành một L/C và có trách nhiệm pháp lý về việc NHPH trả tiền cho người thụ hưởng L/C.
  • Người thụ hưởng L/C (Beneficiary of L/C): còn được gọi là người hưởng hay người hưởng lợi, là bên được hưởng số tiền thanh toán hay sở hữu hối phiếu đã chấp nhận thanh toán theo L/C. Tùy hoàn cảnh mà người thụ hưởng có những tên gọi khác nhau như người bán (seller), nhà xuất khẩu (exporter), người kí phát hối phiếu ( drawer),…
  • Ngân hàng phát hành – NHPH (Issuing Bank) là ngân hàng thực hiện phát hành L/C theo đơn của người yêu cầu hay còn gọi là ngân hàng của người nhập khẩu. NHPH thường được hai bên mua bán thỏa thuận và qui định trong hợp đồng.

  • Ngân hàng thông báo – NHTB ( Advising Bank) là ngân hàng của người xuất khẩu, có trách nhiệm thông báo L/C cho người thụ hưởng. NHTB thường là một đại lý hay chi nhánh của NHPH ở nước xuất khẩu.

  • Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank): Xác nhận L/C

  • Ngân hàng bồi hoàn (Reimbursing Bank): Thanh toán cho Ngân hàng đòi tiền trong trường hợp L/C có chỉ định.

  •  Ngân hàng chiết khấu (Negotiating Bank): Thương lượng chiết khấu bộ chứng từ.

  •  Ngân hàng xuất trình (Presenting Bank): Xuất trình bộ chứng từ đến ngân hàng được chỉ định trong L/C.

  •  Ngân hàng được chỉ định (Nominated Bank): Được ngân hàng phát hành chỉ định làm một công việc cụ thể nào đó, thường là thương lượng chiết khấu hoặc thanh toán bộ chứng từ.

  •  Ngân hàng đòi tiền (Claiming Bank): đòi tiền bộ chứng từ theo sự ủy quyền của các bên thụ hưởng.

Tùy theo quy định của từng L/C cụ thể, một ngân hàng có khi đảm nhận nhiều chức năng của các ngân hàng được liệt kê như trên.

B.  Qui trình thanh toán bằng L/C

  • Bước 0: Hai bên mua bán kí kết hợp đồng ngoại thương với điều khoản thanh toán theo phương thức L/C
  • Bước 1: Căn cứ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ngoại thương, nhà NK gửi đến ngân hàng phục vụ mình phát hành một L/C cho nhà xuất khẩu thụ hưởng.
  • Bước 2: Căn cứ vào đơn mở L/C, nếu đồng ý NHPH lập L/C và thông qua ngân hàng đại lý hoặc chi nhánh của mình ở nước nhà XK ( hay là NH thông báo) để thông báo L/C cho nhà xuất khẩu.
  • Bước 3: Khi nhận được L/C, NHTB kiểm tra và nếu L/C đủ điều kiện, NHTB sẽ gửi L/C cho nhà xuất khẩu. Nếu L/C không đủ điều kiện thì NHTB sẽ trả L/C lại cho NHPH.
  • Bước 4: Nhà xuất khẩu kiểm tra L/C nếu L/C phù hợp với hợp đồng đã kí thì tiến hành giao hàng, nếu không phù hợp thì đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hợp đồng ngoại thương.
  • Bước 5: Sau khi giao hàng, nhà XK lập bộ chứng từ theo yêu cầu của L/C và xuất trình cho NHTB
  • Bước 6: NHTB xem xét bộ chứng từ nếu thấy bộ chứng từ hợp lệ thì thanh toán cho người XK
  • Bước 7: NHTB chuyển bộ chứng từ cho NHPH để đòi tiền
  • Bước 8: NHPH chuyển tiền cho NHTB
  • Bước 9:   Ngân hàng mở LC sẽ gửi bộ chứng từ cho nhà NK đến người nhập khẩu sau khi đã nhận được tiền hoặc chấp nhận thanh toán.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu về L/C và qui trình thanh toán L/C. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết ^^