Hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam thường sử dụng công thức Xuất FOB và Nhập CIF. Lý do tại sao và công thức này có thật sự hiệu quả?
“Xuất khẩu với điều kiện FOB” – tức người bán giao hàng lên tàu và chịu trách nhiệm và chi phí vận chuyển từ kho người bán đến tàu tại cảng xuất, thông quan xuất khẩu. Chuyển giao rủi ro và chi phí cho người bán ngay khi hàng hóa được xếp lên tàu.
“Nhập khẩu với điều kiện CIF” – người mua phải chịu trách nhiệm và trả chi phí dỡ hàng khỏi tàu tại cảng nhập nếu không được quy định trong hợp đồng vận chuyển, phí tại cảng dỡ, phí thông quan nhập khẩu, thuế và vận tải nội địa. Còn các công đoạn từ kho người bán đến cảng nhập là người bán phải chịu.
Lý do chủ yếu cho vấn đề này chính là “thế và lực” của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước ta còn yếu:
►Vận tải biển chưa đủ mạnh
► Ngành bảo hiểm còn thiếu uy tín
► Chưa có sự đồng bộ giữa các ngành
► Lo sợ rủi ro trong thuê tàu và bảo hiểm
► Thiếu kiến thức vận tải bảo hiểm
► Khó khăn về vốn, yếu thế trong giao dịch thương mại
Chính vì những điểm yếu này mà các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đảm nhận nhiều công đoạn trong quá trình xuất – nhập khẩu hàng hóa. Luôn lựa chọn những phương thức mà phải chịu ít trách nhiệm nhất, giao phó nghĩa vụ thuê phương tiện vận chuyển, thanh toán chi phí vận chuyển, mua bảo hiểm hàng hóa, quyết định lịch tàu, hãng tàu,… cho bên đối tác, chỉ nhận nhiệm vụ đưa hàng ra cảng xuất hay cho đến khi hàng cập cảng nhập thì mới đến trách nhiệm của mình.
Khi doanh nghiệp không giành được quyền vận tải chính là giao rủi ro của doanh nghiệp vào tay đối tác và sẽ phải mất quá nhiều chi phí cho các dịch vụ này.
Khi “nhập FOB - xuất CIF”, quyền chủ động phương tiện thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ nắm trong tay quyền quyết định về thuê phương tiện vận tải, đàm phán giá với mức giá rẻ hơn, chủ động trong các vấn đề nảy sinh trong quá trình xuất – nhập hàng hóa. Từ đó, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian xuất – nhập hàng, tăng hiệu quả làm việc mà không phải đứng ở thế bị động dưới đối tác của mình.
Cụ thể khi nhập khẩu hàng hóa với quy tắc FOB: người mua chịu trách nhiệm sau khi hàng được giao lên tàu: vận chuyển về cảng nhập, thông quan nhập khẩu, dỡ hàng hóa, vận tải nội địa về kho của người mua. Với lợi thế quyền vận tải, người mua sẽ có quyền lựa chọn và đàm phán với các mức giá dịch vụ rẻ hơn và yên tâm hơn. Nhận được các chứng từ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian.
Khi xuất khẩu với quy tắc CIF: Người bán thông quan hàng xuất, vận chuyển tới cảng xuất, bốc hàng lên tàu, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm hàng hóa tới cảng đến quy định, dỡ hàng khỏi phương tiện vận tải tại cảng nhập nếu được quy định trong hợp đồng vận chuyển. Từ đó quản lý và chủ động về mức giá và chi phí. Ngoài ra, thu được trị giá ngoại tệ cao hơn so với việc xuất khẩu theo điều kiện FOB. Doanh nghiệp sẽ rất chủ động trong việc giao hàng, không phải lệ thuộc vào việc điều tàu (hoặc container) do người nhập khẩu chỉ định. Đôi khi vì lệ thuộc vào khách nước ngoài, tàu đến chậm làm hư hỏng hàng hoá đã tập kết tại cảng hoặc trong kho, nhất là hàng nông sản.
Như vậy, lợi ích của việc nhập FOB – xuất CIF tóm gọn như sau:
► Dành được quyền thuê phương tiện vận chuyển quốc tế
► Đàm phán giá cả dễ dàng và quản lý đc chi phí vận chuyển
► Biết được lịch xếp hàng, dỡ hàng, theo dõi trực tiếp được lộ trình hàng hóa, chất lượng của việc vận chuyển
► Tạo ra công việc cho doanh nghiệp trong nước, mất ít ngoại tệ ra nước ngoài hơn
► Giảm thiểu các rủi ro như mất hàng, giao hàng chậm, thiếu chứng từ yêu cầu.
Nói chung lại không phải lúc nào cũng là nhập FOB và xuất CIF mà còn rất nhiều các điều kiện khác sẽ được thỏa thuận lựa chọn sao cho phù hợp giữa người mua và người bán. Bài viết trên đây nêu ra những lợi ích của việc sử dụng FOB trong nhập khẩu và CIF trong xuất khẩu đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và nêu ra những hạn chế của công thức “xuất FOB – nhập CIF”. Rất mong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn lựa chọn các quy tắc Incoterms phù hợp với khả năng của doanh nghiệp để mang lại lợi ích cao nhất.