Phương thức thanh toán D/A rủi ro hơn D/P đối với nhà xuất khẩu?

Đăng ngày: 14-11-2019

Trong thương mại quốc tế, nhờ thu thực chất là quy trình ngân hàng thu hộ tiền từ người mua trả cho người bán. Trong đó, phương thức nhờ thu kèm chứng từ được chia thành 2 loại, đó là D/A (Documents against acceptance) và D/P (Documents against Payment). Trong đó, phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ (D/A) được nhận định là gây ra nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu hơn so với phương thức nhờ thu thanh toán giao chứng từ (D/P).

 

Trước hết, D/A và D/P là gì?

D/A (Documents against Acceptance) – là một trong những phương thức thanh toán trong giao dịch thương mại quốc tế. Theo phương thức thanh toán này, nhà nhập khẩu được phép nhận bộ chứng từ khi ký giấy nợ (hối phiếu) thanh toán tiền hàng sau thông qua ngân hàng nhập khẩu.

D/P (Documents against Payment) - là phương thức thanh toán giao tiền thì giao chứng từ. Tức là nhà xuất khẩu chỉ định ngân hàng xuất trình chỉ giao các chứng từ cho nhà nhập khẩu nếu nhà nhập khẩu thanh toán đầy đủ hóa đơn hoặc hối phiếu kèm theo. Nhà nhập khẩu chỉ có thể nhận được chứng từ ngay tại thời điểm họ đã thanh toán tiền cho ngân hàng.

Điểm khác biệt giữa phương thức thanh toán D/A và D/P

► Đối với phương D/P nhà nhập khẩu nhận được bộ chứng từ chỉ khi thực hiện thanh toán đầy đủ tiền hàng cho ngân hàng nhập khẩu.

► Đối với phương thức D/A nhà nhập khẩu nhận được bộ chứng từ khi chấp nhận ký giấy thanh toán tiền hàng trả sau (hối phiếu). Tức đối với D/A nhà nhập khẩu được phép nợ tiền hàng, và được quyền thanh toán tiền hàng sau trong kỳ hạn ghi trong hợp đồng.

Tại sao D/A rủi ro hơn D/P đối với nhà xuất khẩu?

Thứ nhất, theo điều kiện D/P, người xuất khẩu kiểm soát được hàng hóa (thông qua ngân hàng) cho đến khi người nhập khẩu thanh toán. Nếu người nhập khẩu không thể thanh toán hoặc từ chối thanh toán người xuất khẩu còn có thể:

► Kháng nghị hối phiếu và đưa người nhập khẩu ra tòa.

► Chờ hàng quay về nước.

► Tìm người mua khác.

► Thu xếp để bán đấu giá.

Đối với việc tìm người mua khác và bán đấu giá lại số hàng hóa đó, giá bán hàng có thể sẽ bị giảm thấp, nhưng vẫn giảm thiểu được thiệt hại so với việc chở hàng quay trở về.

Thứ hai, theo điều kiện D/A, sau khi kiểm tra bộ chứng từ nếu đồng ý thì người nhập khẩu ký chấp nhận hối phiếu, nhận bộ chứng từ và đi nhận hàng; còn người xuất khẩu mất quyền kiểm soát hàng hóa. Người xuất khẩu có thể gặp một số rủi ro sau:

► Người nhập khẩu có thể từ chối thanh toán vào ngày hối phiếu đáo hạn bởi hàng hóa không phải là hàng hóa nhà nhập khẩu yêu cầu, nhà nhập khẩu không thể bán được số hàng hóa đó, hoặc nhà nhập khẩu chủ tâm lừa đảo người xuất khẩu. Trong trường hợp này, người xuất khẩu có thể kháng nghị hối phiếu và kiện người nhập khẩu nhưng việc này tốn rất nhiều chi phí.

► Người nhập khẩu có thể bị phá sản, trong trường hợp này người xuất khẩu sẽ không thể lấy lại được tiền.

Nhìn chung phương thức thanh toán D/P khá an toàn và đảm bảo quyền lợi tối đa của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, đó chỉ là trong trường hợp nhà xuất khẩu tuân thủ gửi bộ chứng từ trong thời hạn hiệu lực của D/P. Dù là phương thức thanh toán nào thì lợi ích và rủi ro giữa người bán và người mua cũng rất khó để có thể cân bằng. Người nhập khẩu hay nhà xuất khẩu thì đều mong muốn mình chịu rủi ro thấp nhất. Do vậy, các bên cần phải thỏa thuận kỹ càng các điều khoản thanh toán cũng như các điều kiện và điều khoản hợp đồng khác để phù hợp nhất.