Phân biệt vận đơn đích danh, vận đơn vô danh và vận đơn theo lệnh

Đăng ngày: 16-11-2019

Không thể chối bỏ tính cần thiết và quan trọng của chứng từ Vận đơn – Bill of Lading. Vận đơn là chứng từ bắt buộc và được sử dụng trong rất nhiều quy trình của hoạt động xuất nhập khẩu như chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, căn cứ xác lập bảo hiểm,... Tuy nhiên, có quá nhiều loại vận đơn đang được sử dụng tùy thuộc vào từng trường hợp thực tế nhất định dẫn đến nhiều hiểu nhầm và khó khăn cho những người làm xuất nhập khẩu.

Nếu xét theo tính sở hữu thì vận đơn được chia thành 3 loại sau: vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading), vận đơn theo lệnh (to Order Bill of Lading) và vận đơn vô danh (to Bearer Bill of Lading).

Bài viết sẽ phân biệt cách dùng 3 loại vận đơn này giúp các bạn dễ dàng trong việc lựa chọn và sử dụng chúng.

Vận đơn đích danh (Straight Bill of Lading): là vận đơn ghi rõ tên, địa chỉ người nhận hàng và người chở hàng chỉ giao hàng đúng với tên, địa chỉ trên bill.

Chỉ người nào có tên và địa chỉ đúng như trên B/L mới nhận được hàng. Không chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu chuyển nhượng.

Các trường hợp hàng hoá của vận đơn đích danh bao gồm:

Cá nhân gửi cá nhân;

Quà biếu;

Hàng hoá dùng để triển lãm;

Hàng hoá vận chuyển trọng nội bộ công ty.

Vận đơn theo lệnh (to Order Bill of Lading): Thường thì trên bill gốc không thể hiện tên, địa chỉ người nhận hàng mà chỉ để chữ “To Order” tại mục consignee. Vận đơn này miễn người nào cầm vận đơn gốc và được xác nhận ký hậu của shipper là có thể nhận hàng.

Người nào được quyền đi nhận hàng là tùy thuộc vào người ra lệnh.

Tại mục người nhận hàng (Consignee) có thể ghi:

To order of shipper - theo lệnh của người gửi hàng.

To order of consignee - theo lệnh của người nhận hàng.

To order of bank - theo lệnh của ngân hàng thanh toán.

Vận đơn theo lệnh được dùng rất phổ biến trong buôn bán và vận tải quốc tế, có thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu.

Ký hậu (Endorsement): là một thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa ghi trên B/L từ người hưởng lợi này sang người hưởng lợi khác.

Người ký hậu phải ký tên, đóng dấu vào mặt sau B/L và trao cho người hưởng lợi.

Về mặt pháp lý, hành vi ký hậu của người ký tên trên B/L thừa nhận việc từ bỏ quyền sở hữu hàng hóa ghi trên B/L cho người được hưởng.

Người ký hậu phải tuân thủ các quy định:

- Ký hậu bằng ngôn ngữ của chính người hưởng lợi trên B/L.

- Phải ký vào chính B/L gốc.

- Phải thể hiện rõ ý chí về việc chuyển nhượng quyền sở hữu B/L.

Vận đơn vô danh (to Bearer Bill of Lading): Không ghi tên hay bất cứ thông tin gì trong mục consignee hoặc phát hành theo lệnh nhưng không ghi rõ lệnh này của ai. Do đó ai cầm được vận đơn này đều có thể nhận hàng.

Các loại vận đơn này khác nhau chủ yếu ở người nhận hàng, người có quyền sở hữu hàng hóa. Cách nhận biết đó là nội dung ghi trên ô Consignee. Ngoài ra, vận đơn cũng có thể được chuyển nhượng cho người khác.