L/C chuyển nhượng được sử dụng khi nào? Và quy trình thanh toán L/C chuyển nhượng

Đăng ngày: 13-11-2019

Ngày nay ngành xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng phát triển kéo theo sự đa dạng của các hình thức thương mại quốc tế, từ đó đòi hỏi phải có những phương thức thanh toán thống nhất. Trong các phương thức thanh toán quốc tế hiện nay, phương thức thanh toán bằng L/C được sử dụng phổ biến. Trong bài viết này sẽ giới thiệu về một loại L/C là L/C chuyển nhượng (Transferable L/C).

 

L/C chuyển nhượng là gì?

L/C chuyển nhượng (Transferable Letter of Credit) là L/C cho phép người thụ hưởng thứ nhất chuyển nhượng một phần hay toàn bộ giá trị L/C cho một hoặc nhiều người thụ hưởng thứ hai miễn là thư tín dụng cho phép trả tiền hay giao hàng từng phần.

Đặc điểm của L/C:

► Thuộc loại L/C không hủy ngang, tức chỉ được sửa đổi hoặc hủy nếu có sự đồng ý của tất cả các bên.

► Một L/C chuyển nhượng chỉ được phép chuyển nhượng một lần.

► L/C chuyển nhượng phản ánh chính xác các điều kiện và điều khoản của L/C gốc.

► Sử dụng trong hợp đồng mua bán trung gian ba bên (Nhà sản xuất – người trung gian – nhà nhập khẩu): người thụ hưởng thứ nhất chuyển nhượng một phần hay toàn bộ giá trị L/C cho một hay nhiều bên trung gian (theo yêu cầu của người thụ hưởng đầu tiên)

► Giá trị L/C sau ít hơn giá trị L/C trước, không vượt quá tổng số tiền  L/C ban đầu.

► Thời hạn hiệu lực L/C sau ngắn hơn L/C trước và ngày giao hàng L/C sau có thể sớm hơn L/C trước.

Các chủ thể tham gia thanh toán L/C chuyển nhượng:

► Người yêu cầu mở thư tín dụng (Applicant)

► Người thụ hưởng thứ hai (Second beneficiary) hay bên thứ ba (Third part) là nhà xuất khẩu, người bán hay người cung ứng.

► Người thụ hưởng thứ nhất (First beneficiary) là người trung gian (middleman).

► Ngân hàng phát hành L/C gốc (Issuting Bank)

► Ngân hàng chuyển nhượng (Transfering Bank)

► Ngân hàng thông báo thư tín dụng (Advising Bank).

Quy trình mở và thanh toán L/C:

1. Ký kết hợp đồng ngoại thương giữa các bên.

2. Nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng mở L/C có thể chuyển nhượng.

3. Ngân hàng mở mở L/C và gửi cho Ngân hàng thông báo

4. Ngân hàng Thông báo gửi L/C cho người thụ hưởng thứ nhất

5. Người thụ hưởng thứ nhất yêu cầu ngân hàng chuyển nhượng thực hiện nghiệp vụ chuyển nhượng L/C cho người thụ hưởng thứ hai.

6. Ngân hàng này thực hiện nghiệp vụ chuyển nhượng L/C và gửi L/C đã được chuyển nhượng cho ngân hàng Thông báo thứ hai

7. Ngân hàng thông báo thứ hai gửi L/C đã được chuyển nhượng cho người thụ hưởng thứ hai.

8. Người thụ hưởng thứ hai giao hàng cho người yêu cầu mở L/C

9. Người thụ hưởng thứ hai lập bộ chứng từ, gửi bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo thứ hai.

10. Ngân hàng thông báo thứ hai chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo thứ nhất. (Ngân hàng chuyển nhượng).

11. Ngân hàng chuyển nhượng mới gửi bộ chứng từ gốc cho người thụ hưởng thứ nhất chỉnh sửa bộ chứng từ. Ở bước này, Người thụ hưởng thứ nhất sẽ loại bỏ hoá đơn + chứng thư bảo hiểm mà người thụ thưởng thứ hai kèm trong bộ chứng từ. Đồng gửi, phải thay bằng Hoá đơn và chứng thư bảo hiểm mà mình đã chuẩn bị sẵn.

12. Người thụ hưởng thứ nhất sau khi chỉnh sửa xong, sau đó gửi lại cho ngân hàng Thông báo thứ nhất.

13. Ngân hàng Thông báo thứ nhất gửi bộ chứng từ này cho Ngân hàng Mở và yêu cầu thanh toán.

14. Ngân hàng Mở kiểm tra chứng từ và thanh toán cho ngân hàng Thông báo thứ nhất

15. Ngân hàng Thông báo thứ nhất chuyển phần chênh lệch của số tiền hàng giữa L/C gốc và L/C được chuyển nhượng cho người thụ hưởng thứ nhất; số tiền còn lại chuyển cho người thụ hưởng thứ hai thông qua ngân hàng Thông báo thứ hai.

16. Ngân hàng Thông báo thứ hai báo tiền đã vào tài khoản cho người thụ hưởng thứ hai biết.

L/C chuyển nhượng được sử dụng rất phổ biến bởi tính ứng dụng của nó. Trên đây là một số nội dung chính về L/C chuyển nhượng mà cần phải nắm vững. Rất mong bài viết hữu ích với bạn đọc!!