Incoterms®2020 và những thay đổi so với phiên bản Incoterms®2010

Đăng ngày: 21-11-2019

Incoterms được coi là “bảng cửu chương” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu/logistics. Nội dung các điều khoản của Incoterms được công nhận và sử dụng trên toàn thế giới. Cho tới hiện nay, đã có 8 phiên bản Incoterms. Mới đây, ICC đã ban hành phiên bản Incoterms thứ 9 là Incoterms®2020 với những thay đổi rõ ràng và thuận tiện hơn cho người sử dụng. Chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

Bất cứ sự thay đổi nào của Incoterms đều thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nha xuất nhập khẩu. Phiên bản Incoterms 2020 với những thay đổi để nhằm mục tiêu đơn giản hóa và thuận tiện hóa cho người sử dụng. Incoterms 2020 đã loại bỏ một số điều kiện cũ không hợp lý, thay vào đó là một số điều kiện mới như dưới đây:

  1. Loại bỏ EXW, DDP và FAS:

Trên thực tế, ta có thể thấy các điều kiện như EXW, DDP và FAS thường rất ít được sử dụng và có một số các bất cập trong quá trình sử dụng.

EXW - giao hàng tại xưởng, điều kiện này tất cả trách nhiệm, chi phí và rủi ro thuộc về nhà nhập khẩu. Thường được sử dụng với các doanh nghiệp không có tiềm lực và năng lực xuất khẩu.

Còn DDP, là điều kiện đối nghịch với EXW. Điều kiện này chỉ thường được sử dụng cho các hàng hóa như hàng mẫu, phụ tùng, thường được gửi qua các công ty chuyển phát nhanh mà nhà nhập khẩu không chịu bất cứ trách nhiệm hay chi phí nào. DDP thể hiện nghĩa vụ tối đa của người bán.

EXW và DDP chủ yếu được sử dụng trong thương mại nội địa. Ngoài ra, hai điều kiện EXW và DDP, trong một số cách sử dụng, lại mâu thuẫn với Bộ luật Hải quan mới của EU.

Với điều kiện FAS – giao dọc mạn tàu. Với cái tên gọi giao dọc mạn tàu cũng đã chỉ ra sự bất cập, thường là không thể đặt hàng hóa ở ngay cạnh mạn tàu hay trên xà lan của tàu. Nếu áp dụng điều kiện này thì người bán sẽ thường giao hàng tại bến, trong trường hợp này quy tắc FAS là không phù hợp, mà nên sử dụng FCA. Nói cách khác, FAS và FCA có sự tương đồng.

Ngoài ra, nếu FAS được áp dụng trong trường hợp tàu đến trễ thì hàng hóa cho người mua phải nằm chờ ở bến tàu trong vài ngày. Và ngược lại, nếu tàu đến sớm thì lại không kịp sắp xếp hàng hóa.

  1. Tách DDP thành hai điều kiện mới:

Sau khi loại bỏ điều kiện DDP (DDP quy định người bán phải nộp thuế hải quan tại nơi đến, bất kể hàng hóa được giao đến nơi đâu (địa chỉ của người mua, kho hoặc ga đến…), thì Incoterms 2020 xuất hiện thêm 2 điều kiện mới nhóm D bao gồm: DTP (Delivered at Terminal Paid – giao hàng tại cảng đã thông quan) và DPP (Delivered at Place Paid – Giao hàng tại địa điểm sau thông quan). Cụ thể nội dung của 2 điều kiện này như sau:

Thứ nhất, DTP (Delivered at Terminal Paid – giao hàng tại cảng đã thông quan): người bán chịu trách nhiệm tất cả các chi phí liên quan đến vận tải bao gồm thuế hải quan khi hàng hóa được giao đến ga (có thể là cảng biển, cảng hàng không, trung tâm vận tải …) tại nơi đến.

Thứ hai, với DPP (Delivered at Place Paid – Giao hàng tại địa điểm sau thông quan), người bán chịu trách nhiệm tất cả các chi phí liên quan đến vận tải bao gồm thuế hải quan khi hàng hóa được giao đến bất kỳ địa điểm nào khác không phải là cảng.

Có thể thấy, cả hai điều kiện này nói nội dung gần giống nhau về trách nhiệm và chi phí của các bên nhưng địa điểm giao hàng được quy định rõ ràng hơn so với DDP.

  1. Mở rộng điều kiện FCA:

FCA là điều kiện Incoterms được sử dụng rất nhiều trong hoạt động thương mại quốc tế (được ước chừng khoảng 40% các giao dịch thương mại quốc tế). Bởi điều kiện FCA linh hoạt về nơi giao hàng (có thể là địa chỉ của người bán, nhà kho, cảng biển hay cảng hàng không…) và có thể áp dụng đối với tất cả các phương thức vận tải, đặc biệt rất phù hợp với với vận tải đa phương thức.

Với Incoterms 2020, FCA sẽ mở rộng thành hai điều kiện: một dành cho vận tải đường bộ và một dành cho vận tải đường biển. Từ đó sẽ giúp nhà xuất khẩu kiểm soát và hiểu rõ các nghĩa vụ và trách nhiệm thông quan xuất khẩu, người bán chịu trách nhiệm lớn hơn so với EXW và người mua được bảo vệ nhiều hơn trong việc chuyển giao rủi ro.

  1. Sửa đổi điều kiện FOB và CIF:

FOB (Free On Board – Giao hàng lên tàu) và CIF (Cost, Insurance and Freight – Tiền hàng, Bảo hiểm và Cước phí) là hai điều kiện được sử dụng rất phổ biến và đã có từ rất lâu trong mua bán quốc tế, và nội địa từ Incoterms 2010.

Trong một văn bản đánh giá về Incoterms gần đây, ICC cho rằng do công tác tuyên truyền chưa thật tốt nên rất nhiều công ty vẫn dùng FOB và CIF cho hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển chở container mà lẽ ra phải dùng hai điều kiện tương ứng là FCA và CIP.

Do khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng container ngày càng tăng, Incoterms 2020 có sửa đổi điều kiện FOB và CIF có thể sử dụng cho hàng chở bằng tàu container.

  1. Bổ sung điều khoản CNI:

CNI (Cost and Insurance – Tiền hàng và Bảo hiểm) là điều khoản mới của Incoterms 2020. Điều khoản này nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho người bán khi họ muốn mua bảo hiểm cho hàng hóa nhưng không chịu trách nhiệm và chi phí và thu xếp vận tải như điều kiện CFR hoặc CIF. Khác với FCA, CNI bao gồm phí bảo hiểm do người bán chịu. Theo CNI rủi ro chuyển từ người bán sang người mua giống với FCA (tại nơi giao hàng ở nơi đi/nước xuất khẩu).

Như vậy, có thể thấy được với những sự thay đổi này ở phiên bản Incoterms 2020 đã làm cho các điều kiện trở nên đơn giản hơn, rõ ràng hơn trong quá trình sử dụng. Mục tiêu chính của Incoterms 2020 là đơn giản hóa, do vậy, Incoterms 2020 sẽ được soạn thảo với các thuật ngữ đơn giản hơn được minh họa bằng các ví dụ nhằm làm rõ các điều khoản.

Trên đây là những nội dung được thay đổi và bổ sung trong phiên bản Incoterms 2020. Phiên bản Incoterms 2020 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2020. Rất mong bài viết sẽ đưa cho bạn đọc những thông tin hữu ích để chuẩn bị cho sự thay đổi của Incoterms - một nội dung quan trọng không thể thiếu trong thương mại quốc tế.