HS CODE - Ngôn ngữ chung của thương mại quốc tế

Đăng ngày: 18-11-2019

Hoạt động thương mại quốc tế là việc giao dịch mua bán hàng hóa giữa các nước trên thế giới. Đòi hỏi phải có những quy tắc chung trong việc phân loại hàng hóa, từ đó HS Code đã xuất hiện để giải quyết vấn đề này. HS Code được cho là ngôn ngữ chung của hàng hóa trong thương mại quốc tế. Nhưng việc xác định mã HS của một loại hàng hóa gây rất nhiều khó khăn cho các nhà xuất nhập khẩu. Bài viết này sẽ đưa ra các quy tắc để xác định mã HS Code một cách dễ dàng và chính xác.

Trước hết, HS Code là gì?

HS Code là mã phân loại hàng hóa dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu của một loại hàng hóa. 

HS Code hay Mã HS là mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành có tên là “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” (HS – Harmonized Commodity Description and Coding System).

Mã HS code cấu trúc gồm có: Một mã HS bao gồm 8 chữ số, trong đó:

– Phần: Trong bộ mã HS có tổng cộng 21 hoặc 22 Phần, mỗi phần đều có chú giải phần

– – Chương: Gồm có 97 chương. Trong đó chương 98 và 99 dành riêng cho mỗi quốc gia, mỗi chương đều có chú giải chương. 2 ký tự đầu tiên mô tả tổng quát về hàng hóa

– – – Nhóm: Bao gồm 2 ký tự, phân chia sản phẩm theo từng nhóm chung

– – – – Phân nhóm: được chia ra nhóm chung hơn từ nhóm, gồm có 2 ký tự.

– – – – – Phân nhóm phụ: 2 ký tự. Phân nhóm phụ do mỗi quốc gia quy định.

 

Các quy tắc xác định mã HS:

Quy tắc 1: Chú giải chương và tên định danh:

Tên đề mục chương của hệ thống hài hòa mô tả vầ mã hàng hóa (HS) nhằm mục đích dễ tra cứu, giúp người tra cứu xác định được khu vực chứa loại hàng hóa đang muốn tìm kiếm.

Ví dụ: Ngựa để nhân giống:

– Xác định ngựa là loài động vật sống: thuộc chương 1.

– Đọc chương 1 và xác định được Ngựa thuộc nhóm Ngựa, lừa, la sống (0101)

– Sau đó, ta thấy “Ngựa thuần chủng để nhân giống” có mã HS là 01012100.

Quy tắc 2: Sản phẩm chưa hoàn thiện & hợp chất và hỗn hợp của các nguyên liệu hoặc chất:

Quy tắc 2a: Các mặt hàng ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, chưa lắp ráp hoặc tháo rời:

Các sản phẩm chưa hoàn thiện hay còn thiếu một vài bộ phận đã có đặc trưng cơ bản của sản phẩm đó khi đã hoàn thiện sẽ được áp mã của sản phẩm đã hoàn thiện.

Ví dụ: Xe đạp thiếu bánh xe vẫn áp mã của xe đạp.

Một mặt hàng mà có các bộ phận tháo rời, các phần tháo rời đó nếu ráp vào sẽ thành 1 sản phẩm hoàn thiện thì vẫn được áp vào mã sản phẩm đã hoàn thiện.

Ví dụ: Trong quá trình vận chuyển hàng, xe đạp được tháo rời các bộ phận để vận chuyển dễ dàng hơn cũng được áp mã xe đạp.

Phôi: là những sản phẩm chưa sẵn sàng đưa ra sử dụng, có hình dáng bên ngoài gần giống với với hàng hóa hoàn thiện, chỉ sử dụng vào mục đích duy nhất là hoàn thiện nó thành sản phẩm hoàn chỉnh của nó.

Ví dụ: Phôi chìa khóa khi chưa dũa các cạnh được áp mã chìa khóa đã hoàn thiện; Chai làm bằng nhựa chưa tạo ren ở cổ chai được áp mã như chai hoàn thiện.

Quy tắc 2b: Hỗn hợp, hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất:

Quy tắc này chỉ áp dụng cho hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc chất, hàng hóa từ hai nguyên liệu hoặc hai chất trở lên. Áp mã HS cho chất hay nguyên liệu quyết định đặc tính của sản phẩm (có thể là chiếm tỷ lệ cao nhất).

Ví dụ: Gói cà phê hòa tan là hỗn hợp của các chất như: cà phê, sữa, đường. Vậy hỗn hợp này sẽ được áp theo mã chất cơ bản nhất là cà phê.

Quy tắc 3: Hàng hóa thoạt nhìn có thể được phân loại vào hai hay nhiều nhóm:

Quy tắc 3a: Ưu tiên nhóm mô tả cụ thể đặc trưng nhất:

– 1 nhóm hàng chỉ đích dang một mặt hàng cụ thể thì đặc trưng hơn nhóm hàng mô tả một họ các mặt hàng:

Ví dụ: máy cạo râu và tông đơ có lắp động cơ điện thuộc nhóm 8510, mà  không phải nhóm 8467 (Dụng cụ cầm tay, hoạt động bằng khí nén, thủy lực hoặc có gắn động cơ dùng điện hay không dùng điện) hay 8509 (Thiết bị cơ điện gia dụng có động cơ điện gắn liền).

– 1 nhóm hàng xác định rõ hơn và kèm theo mô tả mặt hàng cụ thể, đầy đủ hơn nhóm khác.

Ví dụ: mặt hàng thảm dệt móc và dệt kim được sử dụng trong xe ô tô, tấm thảm này có thể được phân loại như phụ tùng xe ô tô (nhóm 8708) nhưng nhóm 5703 - Thảm và các loại hàng dệt trải sàn khác, được chần, đã hoặc chưa hoàn thiện. (5703103 - Thảm trải sàn, loại dùng cho xe có động cơ) thì được mô tả một cách đặc trưng và rõ ràng hơn. Do vậy, nó được áp vào nhóm 5703)

Quy tắc 3b: Ưu tiên nhóm của sản phẩm mang đặc tính của sản phẩm:

Hàng hóa được cấu thành từ nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm có thể thuộc nhiều nhóm nhiều chương khác nhau thì phân loại bộ sản phẩm đó vào sản phẩm mang đặc tính nhất của bộ đó.

Ví dụ: bộ dụng cụ vẽ bao gồm: một thước, một vòng tính, một compa, một bút chì và cái gọt bút chì, đựng trong túi nhựa.

Thước thuộc nhóm 9017

Vòng tính thuộc nhóm 9017

Compa thuộc nhóm 9017

Bút chì thuộc nhóm 9609

Vót bút chì thuộc nhóm 8214

Túi nhựa thuộc nhóm 4202.

Trong bộ sản phẩm này, thước, vòng, compa tạo nên đặc tính cơ bản của bộ dụng vụ vẽ nên được áp mã 9017.

Quy tắc 3c: Hàng hóa sẽ được phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét để phân loại.

Quy tắc 3c được sử dụng khi không áp dụng được quy tắc 3a hoặc 3b.

Ví dụ bộ sản phẩm sửa chữa gồm: cờ lê, tua vít và kìm. Tra mã HS của 3 sản phẩm này, thấy Cờ Lê là sản phẩm có mã HS nằm ở thứ tự sau cùng nên sẽ lấy mã HS của sản phẩm này để áp mã HS cho bộ sản phẩm sửa chữa.

Quy tắc 4: Phân loại theo hàng hóa giống chúng nhất.

Quy tắc này đề cập đến hàng hóa không thể phân loại theo quy tắc 1, 2 và 3. Quy tắc này quy định những hàng hóa trên được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.

Xác định giống nhau dựa trên nhiều yếu tố như: mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa.

Ví dụ: Men dạng viên, được dùng giống như thuốc thì được áp vào mã thuốc 3004.

Quy tắc 5: Hộp đựng, bao bì và các loại bao bì chứa đựng tương tự:

Quy tắc 5a: hộp, túi, bao và các loại bao bì chứa đựng tương tự:

Quy tắc này chỉ áp dụng cho các bao bì ở các dạng sau:

– Thích hợp riêng hoặc có hình dạng đặc biệt để đựng một loại hàng hoặc bộ hàng xác định, được thiết kế đặc thù để chứa từng loại hàng hóa của đó.

– Có thể sử dụng lâu dài, được thiết kế để có độ bền dùng cùng với hàng hóa ở trong. Loại bao bì này cũng để bảo quản hàng hóa trong khi chưa sử dụng (vận chuyển hay lưu trữ).

– Được trình bày với hàng hóa chứa đựng trong chúng, các hàng hóa này có thể được đóng gói riêng hoặc không để thuận tiện cho việc vận chuyển. Trường hợp bao bì đựng riêng lẻ sẽ được phân loại theo nhóm thích hợp với chúng.

– Là loại bao bì thường được bán với hàng hóa chứa đựng trong nó.

– Không mang tính chất cơ bản của bộ hàng.

Ví dụ: hộp trang sức, bao đựng máy cạo râu bằng điện, bao ống nhòm, hộp kính viễn vọng, hộp bao túi đựng nhạc cụ, bao súng,....

Quy tắc 5b: Bao bì:

Quy tắc này quy định việc phân bao bì thường được dùng để đóng gói chứa đựng hàng hóa. Tuy nhiên quy tắc này không áp dụng cho bao bì có thể dùng lặp lại như thùng kim loại hoặc bình sắt,...

Ví dụ: túi nilon, thùng carton đi kèm hàng hóa thì áp mã cùng hàng hóa.

Quy tắc 6: Giải thích cách phân loại và so sánh cho đúng.

Việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm, phù hợp các chú giải phân nhóm, phù hợp với chú giải của chương có liên quan.

Khi so sánh 1 sản phẩm ở các nhóm hoặc các phân nhóm khác nhau thì phải so sánh cùng cấp độ.

Vậy, tra cứu mã HS ở đâu?

Để tra cứu dễ dàng bạn nên dùng kết hợp cả Biểu thuế dạng file mềm (excel hoặc word), và Biểu thuế dạng sách in.

Trước hết, bạn mở file biểu thuế (dùng lệnh Find – Ctrl +F) để tìm tên hàng xem có thấy tên hàng của bạn không. Nếu có, thì bạn quả là may mắn, việc tra cứu hoàn tất.

Chẳng hạn khi tìm mã HS cho đậu tương, bạn gõ cụm từ “đậu tương” hay "soybean" bạn sẽ tìm thấy một dòng hàng Đậu tương, đã hoặc chưa vỡ mảnh với mã HS là 1201.

1201 Đậu tương, đã hoặc chưa vỡ mảnh.


Cũng bằng cách tra cứu này, bạn có thể tìm kiếm trên các website tra cứu mã HS trực tuyến như: http://hssearch.net/

https://www.customs.gov.vn/

Biểu thuế Xuất nhập khẩu 2019.